Diễn biến Cuộc tấn công Matanikau

Bản đồ cuộc tấn công của quân Mỹ tại Matanikau

Trong khoảng thời gian từ 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng ngày 1 tháng 11, công binh Hoa Kỳ đã xây ba cây cầu vượt sông Matanikau. Lúc 6 giờ 30 phút sáng, chín khẩu đội pháo binh của Thủy quân lục chiến và Lục quân Mỹ (khoảng 36 khẩu pháo) và các chiến hạm San Francisco, HelenaSterrett đã pháo kích dữ dội vào bờ tây sông Matanikau. Các máy bay Hoa Kỳ, trong đó có 19 oanh tạc cơ hạng nặng B-17 cũng đến ném bom vào khu vực trên. Cùng thời điểm đó, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 5 thủy quân lục chiến (1/5 thủy quân lục chiến) vượt sông Matanikau ở khu vực cửa sông còn Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 5 thủy quân lục chiến (2/5 thủy quân lục chiến) và đơn vị Whaling vượt sông ở chỗ cạn. Đối mặt với Thủy quân lục chiến Mỹ là Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4 Bộ binh Nhật do Thiếu tá Masao Tamura chỉ huy.[20]

Tiểu đoàn 2/5 và đơn vị Whaling đã gặp một sự kháng cự vô cùng yếu ớt do đó đã chiếm được nhiều ngọn đồi phía nam Point Cruz vào đầu buổi chiều. Tuy nhiên, dọc theo bờ biển gần Point Cruz, Đại đội 7 thuộc Tiểu đoàn Tamura đã chiến đấu kiên cường kìm bước tiến quân Mỹ. Sai vài giờ chiến đấu, Đại đội C thuộc Trung đoàn 1/5 thủy quân lục chiến đã gánh chịu thiệt hại nặng, trong đó có ba sĩ quan chết trận và bị đẩy lùi về hướng Matanikau bởi quân của Tamura. Phải đến khi có sự tăng viện của các đại đội từ tiểu đoàn 1/5 thủy quân lục chiến và sau đó là hai đại đội từ Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 5 thủy quân lục chiến (3/5 thủy quân lục chiến) cộng thêm sự chiến đấu dũng cảm của Hạ sĩ thủy quân lục chiến Anthony Casamento mà quân Mỹ mới ngừng được sự rút lui.[21]

Sau khi khảo sát tình hình chiến đấu vào cuối ngày, Đại tá Edson cùng với Đại tá Gerald Thomas và Thiếu tá Merrill Twining thuộc bộ tham mưu của tướng Vandegrif đã đưa ra quyết định bao vây quân phòng thủ Nhật quanh Point Cruz. Họ ra lệnh cho các đơn vị thủy quân lục chiến 1/5 và 3/5 tiếp tục gây áp lực lên quân Nhật dọc theo bờ biển trong ngày kế tiếp trong khi Tiểu đoàn 2/5 thủy quân lục chiến tiến về phía bắc bao vây quân Nhật phía tây và phía nam Point Cruz. Tiểu đoàn Tamura đến thời điểm này cũng đã bị thiệt hại nặng nề, trong đó Đại đội 5 và 7 chỉ còn từ 10 đến 15 tay súng chưa bị thương.[22] Lo sợ quân Mỹ sẽ chọc thủng tuyến phòng ngự của mình, tướng Hyakutake tại tổng hành dinh của Quân đoàn 17 đã phải nhanh chóng điều toàn bộ số quân đang có trong tay đến chi viện cho nỗ lực phòng thủ của Trung đoàn Bộ binh số 4. Lực lượng chi viện bao gồm Tiểu đoàn Pháo chống tăng số 2 (trang bị 12 khẩu pháo) và đơn vị công binh chiến trường số 39 được bố trí sẵn sàng chiến đấu dọc theo phía nam và tây Point Cruz.[23]

Khu vực Point Cruz tại Guadalcanal nhìn từ hướng nam. Quân Nhật bị vây hãm tại căn cứ Point Cruz (phía dưới phần trung tâm bức tranh)

Sáng ngày 2 tháng 11, được đơn vị Whaling bảo vệ cánh sườn, thủy quân lục chiến Tiểu đoàn 2/5 tiến quân về phía bắc và đến được bờ biển phía tây Point Cruz, bao vây được toàn bộ quân phòng thủ Nhật. Pháo binh Mỹ đã pháo kích dữ dội vào các vị trí quân Nhật trong ngày 2 tháng 11 nhưng thiệt hại gây ra là không rõ ràng.[24] Trong khoảng thời gian còn lại của ngày hôm đó, Đại đội I Tiểu đoàn 2/5 đã thực hiện một cuộc tấn công trực diện áp đảo bằng lưỡi lê ở phần phía bắc vị trí phòng thủ quân Nhật. Cũng trong thời gian này, hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn thủy quân lục chiến số 2 bắt đầu tham gia vào cuộc tấn công đã tiến qua Point Cruz.[25]

Lúc 6 giờ 30 sáng ngày 3 tháng 11, nhiều lính Nhật cố gắng phá vòng vây nhưng bất thành. Từ 8 giờ sáng cho đến trưa, năm đại đội thủy quân lục chiến từ các Tiểu đoàn 2/5 và 3/5 với vũ khí cầm tay, súng cối, thuốc nổ và pháo binh yểm trợ đã tiêu diệt hoàn toàn quân Nhật bị vây ở gần Point Cruz. thủy quân lục chiến còn chiếm được 12 khẩu pháo chống tăng 37mm, một dã pháo 70 mm và 34 súng máy. Tổng số xác chết quân Nhật được thống kê bao gồm 239 người, trong đó có 28 sĩ quan.[26] Một người lính thủy quân lục chiến tên Richard A. Nash kể lại khung cảnh trận đánh:

Một chiếc xe jeep kéo theo một khẩu pháo chống tăng 37mm đến nơi và Đại úy Andrews thuộc Đại đội D đã ra lệnh cho khẩu đội pháo chuẩn bị sẵn sàng nã đạn vào lùm cây cọ. Trước khi khai hỏa, tôi nghe thấy những tiếng rên la, than khóc, gần như là một bản thánh ca của những lính Nhật bị bao vây. Sau đó khẩu pháo bắt đầu bắn đạn ghém vào họ, sau một lúc thì những tiếng rên la im bặt và khẩu pháo cũng ngừng bắn. Khung cảnh trở nên im ắng hoàn toàn. Một số người trong chúng tôi đi đến quanh những cây cọ và nhìn thấy những xác chết không còn nguyên vẹn nằm thành từng hàng, có lẽ là của khoảng 300 lính Nhật trẻ tuổi. Không một ai sống sót cả[27].

Cùng thời gian này, Trung đoàn thủy quân lục chiến 2 cùng với đơn vị Whaling tiếp tục gây sức ép dọc bờ biển và đến được địa điểm phía tây Point Cruz 3.500 dặm (3.200 m) vào lúc nửa đêm. Lực lượng quân Nhật còn lại ở khu vực này chống lại thủy quân lục chiến Mỹ bao gồm 500 người lính còn lại của Trung đoàn 4 cộng thêm những người còn sống sót sau các cuộc tấn công ở Tenaru và đồi Edson, lính đồn trú hải quân. Với đà tiến quân này, lực lượng Mỹ hầu như sẽ phá được tuyến phòng thủ của quân Nhật và chiếm làng Kokumbona, đồng nghĩa đường rút lui của Sư đoàn Bộ binh số 2 Nhật sẽ bị cắt đứt và đe dọa nghiêm trọng khu vực hậu cứ, kho tiếp liệu cũng như tổng hành dinh của quân Nhật tại Guadalcanal. Đại tá Nakaguma trong cơn tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết vinh quang bằng cách cho Trung đoàn 4 tấn công lần cuối vào quân Mỹ nhưng đã bị can ngăn bởi các sĩ quan thuộc bộ tổng tham mưu của Quân đoàn 17.[28]

Hai lính Thủy quân lục chiến Mỹ kiểm tra công sự của quân Nhật sau trận đánh gần Point Cruz ngày 3 tháng 11.[29]

Một sự kiện quan trọng xảy ra đã cứu vãn tạm thời tình thế quân Nhật tại Matanikau. Sáng ngày 3 tháng 11, các đơn vị thủy quân lục chiến tại Koli Point, phía đông phòng tuyến Lunga bất ngờ chạm trán với 300 lính Nhật vừa mới đổ bộ từ năm khu trục hạm. Điều này cộng thêm những nguồn tin về việc một lực lượng lớn quân Nhật đang được đưa đến Koli Point khiến cho người Mỹ tin rằng người Nhật đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công lớn nữa vào phòng tuyến Lunga từ khu vực Koli Point.[30]

Trước tình thế mới, các chỉ huy thủy quân lục chiến đã có cuộc họp vào sáng ngày 4 tháng 11 để bàn về phương án tác chiến. Đại tá Twining đề nghị tiếp tục cuộc tấn công đến cùng nhưng ý kiến này đã không được các Đại tá Edson, Thomas và tướng Vandegrift tán thành mà thay vào đó là chuyển mục tiêu đến Koli Point. Do đó, trong ngày này, Trung đoàn thủy quân lục chiến số 5 và đơn vị Whaling đã được triệu hồi về Lunga Point. Hai Tiểu đoàn 1 và 2 của Trung đoàn thủy quân lục chiến số 2 cộng với Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 164 được lệnh chiếm giữ vị trí khoảng 2.000 dặm (1.829 m) phía tây Point Cruz. Hành động này của phía Mỹ giúp cho con đường rút lui của Sư đoàn 2 Nhật giờ đây rộng mở và sư đoàn này đã đến làng Kokumbona trong ngày 4 tháng 11. Tuy nhiên, đại tá Nakaguma trong khoảng thời gian này đã tử trận bởi trúng đạn pháo.[31][f]